Những người làm nghệ thuật như nhà thơ, nhạc sĩ đều có một hoặc nhiều bóng hồng là nguồn cảm hứng cho sáng tác. Đó có thể là người mà người nghệ sĩ yêu. Đó cũng có thể là hình mẫu lý tưởng mà người nghệ sĩ tưởng tượng ra để “bày tỏ” tình cảm thông qua sáng tác nghệ thuật. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cũng không phải là ngoại lệ. Trong cuộc đời người nghệ sĩ tài ba có hình bóng của hai bóng hồng. Đó vừa là những người phụ nữ gắn bó với cuộc đời ông vừa là nguồn cảm hứng vô tận để ông sáng tác.
Nguyễn Ánh 9 nổi tiếng trong lòng người nghe nhạc bởi những bài hát trữ tình đầy chất tiếc nuối. Những ca khúc của ông luôn chất chứa một nỗi buồn lẩn khuất đâu đó trong ca từ. Và cũng chính nỗi buồn ấy khiến cho nhiều người cảm thấy được đồng cảm. Nên cho dù ra đời đã lâu nhưng sáng tác của Nguyễn Ánh 9 luôn được mở đi mở lại. List nhạc của Nguyễn Ánh 9 cũng là lựa chọn của nhiều người khi hát karaoke. Bạn sẽ không khó để tìm được tên nhạc sĩ cũng như các bài hát trong đầu karaoke của dàn karaoke kinh doanh. Và ngay cả ở các dàn karaoke gia đình, bạn đều có thể tìm được những cái tên như “Không”, “Ai đưa em về”, “Chia phôi”, “Chuyện của chúng mình”…
Bất cứ chàng trai, cô gái nào khi bước vào tuổi đôi mươi đều có một mối tình đầu không thể nào quên. Người may mắn thì mối tình đầu kết thúc có hậu. Kẻ xui xẻo thì mối tình đầu trở thành nỗi đau, nỗi tiếc nhớ khôn nguôi. Nhưng đa phần mối tình đầu đều không thành. Đó là lý do tại sao người ta thường nói “tình đầu thường dang dở”.
Với Nguyễn Ánh 9 cũng vậy, ông bước vào những năm tháng thanh xuân đầu tiên bằng mối tình nồng cháy với cô láng giềng 15 tuổi. Hai người dành trọn cho nhau tình cảm mãnh liệt, trong sáng của những tháng ngày đẹp nhất cuộc đời.
Mối tình đẹp như trong mơ ấy tan vỡ vì gia đình cô gái không chấp nhận. Họ không muốn cho con gái mình yêu một anh chàng nhạc sĩ nghèo, không có tương lai. Họ ngăn cấm đủ đường, làm đủ mọi cách và cuối cùng quyết định đưa con gái sang Pháp để chia rẽ tình yêu của hai người.
Chính những đau khổ, tuyệt vọng khi tình yêu bị chia cách đã trở thành nguồn cảm hứng để chàng nhạc sĩ trẻ dùng ngòi bút và âm nhạc để giải tỏa. Và những bài hát chứa đậm chất “tình”, chứa đậm sự xót xa, tiếc nuối của ông được ra đời. Tuyệt phẩm “không” với những ca từ “Không, tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa…” chính là tiếng lòng của tác giả khi không ngừng day dứt về tình yêu đẹp nhưng buồn của mình. Đây cũng là ca khúc tạo nên tên tuổi cho ca sĩ Elvis Phương vào những năm 1970. Còn người nhạc sĩ sáng tác ra ca khúc này được công chúng gọi với cái tên đầy trìu mến là ông “không”.
Ngoài ca khúc “Không”, trong khoảng thời gian đó, Nguyễn Ánh 9 cũng ghi được dấu ấn với người yêu nhạc bằng những ca khúc như: Ai đưa em về, Một lời cuối cho em, Chia phôi, Buồn ơi chào mi, Kỷ niệm…
Sau này, vào năm 1974, ông gặp lại người xưa khi cô về Sài Gòn. Cô vẫn một mình, vẫn yêu ông và chẳng hề oán trách gì. Nhưng họ không chọn lựa đến với nhau mà chọn sống cho hết bi kịch một kiếp người. Và lần này, họ xa nhau mãi mãi để chôn vùi dấu ấn người xưa vào đáy lòng mặc kệ cho nỗi đau nhức buốt cho tới hơi thở cuối cùng.
Lại nói về bóng hồng là tình đầu của Nguyễn Ánh 9, vì không có nhau trọn đời nên cô ấy mãi trẻ trung, nhẹ nhàng, thanh cao và lúc nào cũng là thiếu nữ đôi mươi trong tâm hồn của người nhạc sĩ. Ký ức về gắn với cô ấy chính là điểm tựa để nhạc sĩ nương vào, giữ gìn những gì trong lành nhất cho âm nhạc và đời sống của mình.
Nghệ danh Nguyễn Ánh 9 cũng là do người yêu đầu tiên đặt cho. Trong một cuộc phỏng vấn, ông nói: “Đây là tên mà cô ấy đặt cho tôi. Khi tôi viết những bản nhạc đầu tiên, lấy tên thật là Nguyễn Đình Ánh thì dài quá, mà viết là Nguyễn Ánh thì lại trùng với tên của Vua Gia Long.
Bởi vậy, cô ấy bảo, chữ Nguyễn Ánh có 9 ký tự, mà số 9 theo quan niệm phương Đông là số may mắn, bởi vậy, nên lấy bút danh là Nguyễn Ánh 9″.
Người phụ nữ thứ hai trong đời của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là bà Ngọc Hân. Ông quen bà tại vũ trường Anh Vũ. Lúc ấy, ông chơi đàn piano còn bà là một trong những vũ công nhảy thiết hài đầu tiên của Việt Nam.
Cuộc tình này của Nguyễn Ánh 9 cũng không được sự đồng thuận của gia đình. Cả hai bị đôi bên gia đình phản đối kịch liệt vì cho rằng cuộc hôn nhân “xướng ca vô loài” không thể bền chặt. Nhưng vượt qua tất cả, họ vẫn đến với nhau. Lúc trở thành vợ của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, bà Ngọc Hân vừa tròn 20 tuổi. Cuộc hôn nhân này đã giúp cho ông ru ngủ được những nỗi đau, những tiếc nuối của mối tình đầu không trọn vẹn.
Mặc dù vậy thì sâu trong trái tim người đàn ông này, vẫn không thể giấu lòng mình: “Vợ tôi là một người phụ nữ dịu hiền nhân hậu, có lẽ chẳng người phụ nữ nào đủ vị tha và hy sinh cho chồng mình như cô ấy.
Tôi mắc nợ trọn kiếp với người bạn đời, bởi tình yêu đã vĩnh viễn câm lặng, trái tim tôi không còn cảm giác sau hình ảnh của mối tình đầu”.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 coi vợ như là ân nhân của đời mình, bởi bà hiểu và luôn thông cảm cho góc kín của trái tim ông, ông nói: “Càng về già, càng thương bà ấy hơn.
Tôi ‘gác kiếm’ còn vì muốn có thời gian chăm sóc và bù đắp cho vợ. Tôi coi việc ấy là hệ trọng với những năm còn lại của đời mình”.
Sự hi sinh của nữ vũ công tài hoa ấy còn được nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chia sẻ qua câu chuyện đầy cảm động: “Sau khi lập gia đình, niềm đam mê của Ngọc Hân đã mãi mãi dừng lại ở tuổi 20.
Bà chấp nhận rời bỏ sân khấu để chu toàn việc chăm sóc gia đình nhỏ, chăm sóc chồng và những đứa con của mình… Nhiều lần tôi rủ vợ đi xem mình diễn, nhưng bà ấy đều lấy cớ bận việc này, việc nọ để từ chối.
Tôi thấm thía rằng, vợ không đi theo mình, vì sợ đi thì nhớ sân khấu, nhớ ánh đèn. Nỗi nhớ có thể khiến nghệ sĩ rơi nước mắt”.
Cảm động trước tấm lòng yêu thương, nhân hậu của bà Ngọc Hân, ông dành tặng cho vợ mình bài hát “Màu tím tính yêu” thể hiện tình cảm luyến tiếc tuổi tác có thể chia xa mối nhân duyên này.
Nếu như mối tình đầu là nguồn cảm hứng sáng tác thì bà Ngọc Hân là người đồng hành trong những sáng tác của nhạc sĩ. Bà chính là người có nhiều đóng góp về ca từ, giai điệu cho nhiều sáng tác của ông. Có rất ít người biết rằng, ca khúc “Lặng lẽ tiếng dương cầm trong đêm” với câu hát được khán giả nhớ nhất: “Một nỗi buồn không tên/ Một tình yêu đâu dễ quên” lại do chính bà Ngọc Hân sửa từ lời gốc của chồng: “Một nỗi buồn không tên/ Một tình yêu tôi đã quên”.
Điều giống nhau ở hai bóng hồng trong cuộc đời Nguyễn Ánh 9 đó là họ luôn mang lại rất nhiều cảm xúc thương cảm cho ông. Nhạc sĩ đã từng khóc khi viết câu hát “Hạnh phúc nào không tả tơi, không đắng cay, tôi đã bật khóc” trong ca khúc dành “Chuyện chúng mình”, ca khúc viết cho người vợ của mình. Với ông, vợ giống như bến đỗ để con thuyền là ông dù có đi xa đến đâu cũng sẽ trở về.
Bạn có thích các ca khúc của Nguyễn Ánh 9 không? Chia sẻ cho Pineshoregolf.com những bản nhạc mà bạn ưa thích nhé!
Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ yêu thích của rất nhiều người. Người ta thích âm nhạc của ông bởi rất nhiều lý do. Nhưng lý do lớn nhất đó là nhạc Trịnh Công Sơn chứa nhiều triết lý nhẹ nhàng ẩn sâu. Từng câu, từng từ đi vào lòng người một cách tha thiết đôi phần day dứt.
Đạo Phật với nhạc sĩ là hơi thở, là triết học làm cho con người yêu đời hơn chứ không phải là lãng quên sự sống. Đạo Phật đến với ông qua nếp sống gia đình và từ đó đi cả vào âm nhạc. Trải qua năm tháng, đạo Phật càng sâu sắc hơn với những trải nghiệm, những thăng trầm trong cuộc sống mà ông trải qua. Chính vì vậy nhiều người nghe nhạc Trịnh gần giống như nghe kinh phật.
Trịnh Công Sơn có viết: “Tôi vốn thích triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình. Một thứ triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu được”.
Chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Trong các bài hát của Trịnh Công Sơn, ta luôn thấy chân lý đầu tiên của đạo Phật là khổ đế. Cuộc đời đầy khổ và buồn vì không có gì trường cửu cả. Tất cả chỉ “như sương mai, như ánh chớp”. Ý niệm này được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong lời ca của Trịnh Công Sơn. Giống như con chim ở đậu cành tre và một con cá trong khe nước nguồn (Ở trọ), không ai trong chúng ta là những người định cư vĩnh viễn, tất cả đều là những người ở trọ trần gian. Không những thế, khi tạm cư ở trần gian, chúng ta tìm chỗ ẩn náu trong tình yêu nhưng đáng tiếc tình yêu cũng sẽ mất đi.
Trong bài “Đóa hoa vô thường” và nhiều bài hát khác, Trịnh Công Sơn ẩn chứa trong những lời ca một tình yêu vô thường. Những đổ vỡ trong tình yêu không phải là những chông gai nho nhỏ trên con đường đời đẹp đẽ vô song. Những lời ca luôn nhắc nhở chúng ta về lẽ vô thường.
>>> Có thể bạn cần: Có nên học thanh nhạc hay không
Ngoài triết lý vô thường, ta còn thấy trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn thuyết luân hồi. Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai tôi về làm cát bụi, ông hát trong Cát bụi. Hay Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô, trong Rừng xưa đã khép. Trong các ca khúc của mình Trịnh Công Sơn có vẻ đồng ý với đạo Phật rằng “Hiện tại là hình bóng của quá khứ và tương lai là hình bóng của hiện tại”.
Với thuyết luân hồi, ông không hề có sự phản kháng mà chấp nhận. “Có những ai xa đời quay về lại/ Về lại nơi cuối trời” (Phôi phai). Với ông cái chết giống như sự tái sinh cho nên ra đi có nghĩa là sự trở lại. Vì vậy, ông nhìn sống và chết cũng như nhìn nước chảy trên sông. Đôi khi tự hỏi nước đang đi hay nước đang trở về.
Đạo Phật quan niệm không có thứ gì trường cửu nhưng có một chút trong cái ta đã mất được tiếp nối trong cái ta tái sinh. Nó giống như khi ta thắp một cây nến từ một cây nến khác, có cái ra đi và cũng có cái trở lại. “Một cõi đi về” chính là sự thể hiện của ý niệm này.
Nhạc Trịnh Công Sơn không dành cho người vội vàng. Bởi nếu vội vàng, bạn sẽ không thể nào cảm nhận hết được cái tình và cái ý trong từng lời ca. Những ai nghe nhạc Trịnh sẽ thấy được sự mập mờ và siêu lý luận của các câu văn. Trịnh Công Sơn có vẻ như không muốn làm cho lời ca rõ ràng. Cái mập mờ danh tiếng của Trịnh Công Sơn là do sự phá bỏ biên giới giữa những điều mà chúng ta thường xem là khác biệt. Nhạc sĩ thường dùng lối văn đối nghịch nhưng thay vì để nhấn mạnh sự khác biệt thì ông lại làm trùng hợp: Tình không xa nhưng không thật gần; Không xa đời và cũng không xa một người; Một phố hồng một phố hư không.
Trịnh Công Sơn giống như một nhà thiền sư phủ nhận việc tuyết thì trắng, quạ thì đen với mục đích muốn giác ngộ thì phải tránh xa cái gọi là đối lập giữa không và có. Chính vì vậy, lời ca của ông luôn là một tổng thể hài hòa mà không thể nào giải thích được bằng đầu óc.
Có thể nói, nhạc Trịnh Công Sơn không kén người nghe nhưng để thẩm thấu được hết ý nghĩa trong từng lời ca thì không dễ chút nào. Để hiểu được tất cả những triết lý mà người nhạc sĩ tận tâm đặt vào trong đó, bạn phải có nhiều trải nghiệm. Mà thông thường, mỗi lần nghe nhạc Trịnh Công Sơn ta lại thấy mình có một trải nghiệm mới.
>>> Xem thêm: Lợi ích của những câu lạc bộ ca hát với trẻ nhỏ