Đạo Phật trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn

Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ yêu thích của rất nhiều người. Người ta thích âm nhạc của ông bởi rất nhiều lý do. Nhưng lý do lớn nhất đó là nhạc Trịnh Công Sơn chứa nhiều triết lý nhẹ nhàng ẩn sâu. Từng câu, từng từ đi vào lòng người một cách tha thiết đôi phần day dứt.

Triết học trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn

Đạo Phật với nhạc sĩ là hơi thở, là triết học làm cho con người yêu đời hơn chứ không phải là lãng quên sự sống. Đạo Phật đến với ông qua nếp sống gia đình và từ đó đi cả vào âm nhạc. Trải qua năm tháng, đạo Phật càng sâu sắc hơn với những trải nghiệm, những thăng trầm trong cuộc sống mà ông trải qua. Chính vì vậy nhiều người nghe nhạc Trịnh gần giống như nghe kinh phật.

Trịnh Công Sơn có viết: “Tôi vốn thích triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình. Một thứ triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu được”.

Chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Trong các bài hát của Trịnh Công Sơn, ta luôn thấy chân lý đầu tiên của đạo Phật là khổ đế. Cuộc đời đầy khổ và buồn vì không có gì trường cửu cả. Tất cả chỉ “như sương mai, như ánh chớp”. Ý niệm này được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong lời ca của Trịnh Công Sơn. Giống như con chim ở đậu cành tre và một con cá trong khe nước nguồn (Ở trọ), không ai trong chúng ta là những người định cư vĩnh viễn, tất cả đều là những người ở trọ trần gian. Không những thế, khi tạm cư ở trần gian, chúng ta tìm chỗ ẩn náu trong tình yêu nhưng đáng tiếc tình yêu cũng sẽ mất đi.

Trong bài “Đóa hoa vô thường” và nhiều bài hát khác, Trịnh Công Sơn ẩn chứa trong những lời ca một tình yêu vô thường. Những đổ vỡ trong tình yêu không phải là những chông gai nho nhỏ trên con đường đời đẹp đẽ vô song. Những lời ca luôn nhắc nhở chúng ta về lẽ vô thường.

>>> Có thể bạn cần: Có nên học thanh nhạc hay không

Thuyết luân hồi trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

Ngoài triết lý vô thường, ta còn thấy trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn thuyết luân hồi. Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai tôi về làm cát bụi, ông hát trong Cát bụi. Hay Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô, trong Rừng xưa đã khép. Trong các ca khúc của mình Trịnh Công Sơn có vẻ đồng ý với đạo Phật rằng “Hiện tại là hình bóng của quá khứ và tương lai là hình bóng của hiện tại”.

Với thuyết luân hồi, ông không hề có sự phản kháng mà chấp nhận. “Có những ai xa đời quay về lại/ Về lại nơi cuối trời” (Phôi phai). Với ông cái chết giống như sự tái sinh cho nên ra đi có nghĩa là sự trở lại. Vì vậy, ông nhìn sống và chết cũng như nhìn nước chảy trên sông. Đôi khi tự hỏi nước đang đi hay nước đang trở về.

Đạo Phật quan niệm không có thứ gì trường cửu nhưng có một chút trong cái ta đã mất được tiếp nối trong cái ta tái sinh. Nó giống như khi ta thắp một cây nến từ một cây nến khác, có cái ra đi và cũng có cái trở lại. “Một cõi đi về” chính là sự thể hiện của ý niệm này.

Nhạc Trịnh Công Sơn không dành cho người vội vàng. Bởi nếu vội vàng, bạn sẽ không thể nào cảm nhận hết được cái tình và cái ý trong từng lời ca. Những ai nghe nhạc Trịnh sẽ thấy được sự mập mờ và siêu lý luận của các câu văn. Trịnh Công Sơn có vẻ như không muốn làm cho lời ca rõ ràng. Cái mập mờ danh tiếng của Trịnh Công Sơn là do sự phá bỏ biên giới giữa những điều mà chúng ta thường xem là khác biệt. Nhạc sĩ thường dùng lối văn đối nghịch nhưng thay vì để nhấn mạnh sự khác biệt thì ông lại làm trùng hợp: Tình không xa nhưng không thật gần; Không xa đời và cũng không xa một người; Một phố hồng một phố hư không.

Trịnh Công Sơn giống như một nhà thiền sư phủ nhận việc tuyết thì trắng, quạ thì đen với mục đích muốn giác ngộ thì phải tránh xa cái gọi là đối lập giữa không và có. Chính vì vậy, lời ca của ông luôn là một tổng thể hài hòa mà không thể nào giải thích được bằng đầu óc.

Có thể nói, nhạc Trịnh Công Sơn không kén người nghe nhưng để thẩm thấu được hết ý nghĩa trong từng lời ca thì không dễ chút nào. Để hiểu được tất cả những triết lý mà người nhạc sĩ tận tâm đặt vào trong đó, bạn phải có nhiều trải nghiệm. Mà thông thường, mỗi lần nghe nhạc Trịnh Công Sơn ta lại thấy mình có một trải nghiệm mới.

>>> Xem thêm: Lợi ích của những câu lạc bộ ca hát với trẻ nhỏ